Hệ thống nuôi cá “sông trong ao” công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, những vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá

Chủ nhật - 01/03/2020 22:36 82 0
Nuôi cá sử dụng hệ thống “sông trong ao” (IPRS) là một phương pháp nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng dụng công nghệ cao, được áp dụng khá phổ biến ở một số quốc gia có trình độ NTTS tiên tiến như Mỹ, Israel, Trung Quốc... ở nước ta, công nghệ nuôi cá này được một số chủ trang trại, hợp tác xã NTTS tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Nghệ An... đưa vào áp dụng từ năm 2016, bước đầu cho thấy có nhiều ưu điểm so với các hình thức NTTS truyền thống, song cũng còn nhiều điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, tổng kết, đánh giá trước khi áp dụng rộng rãi.

Công nghệ nuôi cá “sông trong ao" dựa trên nguyên lý cơ bản là tạo môi trường nước trong sạch và dòng chảy liên tục trong ao bằng hệ thống máng nuôi với thiết bị thổi khí nén, thiết bị đảo nước tạo oxy..., đặc biệt là hệ thống thu gom phân, chất thải của cá được lắp đặt ở vị trí cuối máng nuôi. Ao nuôi phù hợp để áp dụng công nghệ này có diện tích khoảng 10.000 m2, đáy ao bằng phẳng, độ sâu mực nước là 2 m, đảm bảo tổng thể tích nước trong ao luôn duy trì ổn định khoảng 20.000 m3. Với thiết kế ao nuôi như trên có thể xây dựng được 2 máng nuôi cá với thể tích 250m3/máng (kích thước: 25 x 5 x 2 m). Tùy theo diện tích và độ sâu mực nước cụ thể của ao mà thiết kế số máng nuôi phù hợp, thể tích nước ao bên ngoài quyết định số máng nuôi, yêu cầu tối thiểu 10.000 m3/máng. Máng nuôi cá được xây bằng gạch vữa xi măng, bên ngoài trát nhẵn, đáy máng bằng bê tông và cũng được trát nhẵn, hai đầu máng có cổng chắn bằng lưới thép không rỉ hoặc bọc nhựa PVC để ngăn giữ cá. ở đầu máng được lắp đặt hệ thống máy thổi khí nén, tạo dòng chảy liên tục một chiều dọc theo chiều dài máng. Cuối máng được lắp đặt hệ thống thu gom phân, chất thải cá, được vận hành tự động 3 lần/ngày đảm bảo phân, chất thải của cá luôn được thu gom triệt để  ra bên ngoài ao nuôi.

Cá chỉ được nuôi tập trung trong máng với các đối tượng nuôi là cá rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, chép, trắm đen... Bên ngoài máng nuôi, có thể thả thêm các loài cá không ăn thức ăn trực tiếp (cá ăn lọc) như mè trắng, mè hoa... để làm sạch môi trường nước. Đồng thời, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ dư thừa để cân bằng hệ sinh thái và làm sạch môi trường. Tùy theo đối tượng nuôi mà sản lượng cá thu hoạch khác nhau, trung bình đạt từ 25-30 tấn cá/máng/vụ nuôi, tương đương 50-60 tấn cá/ha/vụ nuôi, sản lượng tối đa có thể đạt 37,5 tấn/máng/vụ.

Hệ thống nuôi cá “sông trong ao" có nhiều ưu điểm vượt trội đó là: IPRS không chỉ cho năng suất rất cao, tối đa đạt 70-75 tấn cá/ha/vụ nuôi, gấp trên 10 lần năng suất nuôi truyền thống, mà còn cho chất lượng sản phẩm cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cá được nuôi trong điều kiện nước chảy, vận động liên tục, không tiếp xúc trực tiếp với bùn đáy, được sinh trưởng trong môi trường trong sạch và kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào, do đó chất lượng thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi trong ao nước tĩnh truyền thống. Hệ thống máng IPRS có thể giúp chủ động nguồn nước tại chỗ, không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước cấp bổ sung, nước trong ao không cần thay thế mà có thể sử dụng tuần hoàn liên tục nhiều năm. Khi đưa cá vào nuôi đến một mức độ ổn định, cân bằng giữa các loài cá nuôi và thủy sinh vật được thiết lập sẽ tự làm sạch môi trường, hình thành hệ sinh thái ổn định. Thức ăn thừa và chất thải của cá được thu gom bằng hệ thống hút tự động, được xử lý qua Biogas hoặc hút ra ngoài để làm phân vi sinh. Nước sau khi lắng lọc có thể đưa trở lại để bổ sung cho hệ thống ao nuôi. Chất thải và thức ăn thừa có thể được xử lý bằng chế phẩm sinh học hoặc Biogas để làm phân bón. 

Công nghệ IPRS có điểm tối ưu là hệ thống máy nén đưa không khí nén qua hệ thống giàn thổi khí đặt gần sát đáy ao. Không khí nén được đưa xuống đáy ao và đẩy từ dưới lên mặt ao. Hiện tượng oxy hóa làm cho khí độc bay lên. Khí nén xuống đáy ao cũng tạo ra dòng chảy và đẩy các khí độc khỏi đáy ao. Thay vì phải thay nước trong ao nuôi như trước kia, hệ thống này không thay và thải nước ra ngoài, tránh được lây lan mầm bệnh sang các trang trại khác và ra môi trường xung quanh. Hệ thống nuôi này cũng được ứng dụng linh hoạt, trong đó có thể nuôi nhiều đối tượng với nhiều kích cỡ khác nhau, giúp cho người nuôi chủ động cao trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, công nghệ nuôi cá này cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu, điều kiện khắt khe, tốn kém cần phải đáp ứng mà không phải người nuôi cá nào cũng có thể áp dụng thành công, đó là: ao nuôi phải có diện tích và thể tích nước đủ lớn, diện tích tối thiểu từ 5.000 m2, thể tích tối thiểu 10.000 m3 nước trở lên; chi phí đầu tư xây dựng máng nuôi, lắp đặt thiết bị ban đầu khá lớn, trung bình khoảng 200 - 250 triệu đồng/máng nuôi; yêu cầu hệ thống cung cấp điện ổn định, liên tục và phải có máy phát điện dự phòng để có thể tự động thay thế điện lưới; chi phí đầu tư mua thức ăn, con giống, chất xử lý, cải tạo môi trường... lớn, khoảng 1 tỷ đồng/ha/vụ, tương ứng với sản lượng cá thu hoạch khoảng 40-50 tấn/ha; người nuôi phải có trình độ khá cao trong quản lý, vận hành, chăm sóc nuôi dưỡng và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm...

Với những ưu điểm vượt trội nêu trên, hy vọng trong thời gian tới, công nghệ nuôi cá “sông trong ao" sẽ sớm được đưa vào thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Hà Nam để theo dõi, tổng kết, đánh giá trước khi nhân rộng, nhằm phát triển sản xuất NTTS của tỉnh theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững./.

Phạm Anh Tuấn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Thủ tục hành chính
ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,697
  • Tháng hiện tại11,917
  • Tổng lượt truy cập437,423
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây