Phòng chống tệ nạn xã hội: Cần quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm

Thứ sáu - 31/03/2023 07:28 461 0
Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm giai đoạn 2023-2025 khu vực phía Bắc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi đặc biệt nhấn mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội cần phải quyết liệt hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm, chọn một số công việc để tập trung triển khai ngay và làm tốt trong thời gian tới.
Phòng chống tệ nạn xã hội: Cần quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Thông tin về tình hình tội phạm và tệ nạn mại dâm, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, năm 2022, toàn quốc phát hiện, bắt giữ tổng số 710 vụ, 1.911 đối tượng. Công tác phòng, chống mại dâm đã có những chuyển biến tích cực, nhưng kết quả đạt được là chưa cơ bản và vững chắc. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công tác đấu tranh, xử lý hoạt động mại dâm trong các khách sạn cao cấp, với các đường dây môi giới mại dâm "gái gọi cao cấp", mại dâm có yếu tố nước ngoài và một số loại hình mới như: Mại dâm nam, mại dâm đồng tính, kích dục, khiêu dâm… kết quả còn hạn chế. Tình trạng lợi dụng công nghệ thông tin, mạng internet để "tiếp thị" môi giới mại dâm, thông qua các trang mạng xã hội, các website đồi trụy và các thiết bị di động thông minh để mời chào, thỏa thuận mua, bán dâm ngày càng  phổ biến.
Trong khi đó, công tác quản lý, phối hợp tổ chức tái hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm còn gặp nhiều khó khăn nhất là tại nơi cư trú, việc bố trí việc làm, hỗ trợ đời sống đối với số người bán dâm đã nhiễm HIV/AIDS chưa được quan tâm dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh HIV/AIDS trong xã hội.
Nêu một số khó khăn, tồn tại trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đại diện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, hiện nay, một số quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người không còn phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là về công tác hỗ trợ nạn nhân, chưa bảo đảm tính bền vững, thống nhất với tình hình thực tiễn như trợ cấp khó khăn ban đầu, đào tạo nghề, đối tượng hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng chưa được quy định cụ thể.
Đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân còn mỏng về lực lượng, thường xuyên thay đổi, thiếu kinh nghiệm và chủ yếu làm kiêm nhiệm nên việc nắm bắt, cập nhật số liệu, thông tin về nạn nhân bị mua bán trở về gặp khó khăn; việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân còn chưa kịp thời, đôi khi không phù hợp với điều kiện, khả năng, nhu cầu của nạn nhân.

Hơn nữa, công tác tuyên truyền chưa đa dạng và phong phú, chưa tiếp cận được với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là số nạn nhân bị mua bán ở vùng núi, dân tộc, gia đình có hoàn cảnh gặp khó khăn. Mới chỉ tuyên truyền trên bề rộng, chưa chú trọng đến chiều sâu, đến đối tượng đích.

Trong công tác cai nghiện, từ thực tiễn tại địa phương, đại diện Sở LĐTB&XH Bắc Giang cho hay, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 12 cơ sở công lập để tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, nhưng đến nay mới có 4 cơ sở đủ điều kiện, 2 cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ công bố, còn 6 cơ sở tuyến huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự; do đó chưa đáp ứng được nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình cộng đồng cho người nghiện ma túy.

Sở LĐTB&XH Bắc Giang đề nghị Cục Phòng chống tệ nạn xã hội rà soát các mô hình cai nghiện ma túy và hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy công lập nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tham gia công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai tại nơi cư trú.
Tập trung công tác phòng ngừa cho thanh niên, người lao động, công nhân
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, công tác phòng chống tệ nạn xã hội đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên tệ nạn xã hội vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, công tác phòng chống tệ nạn xã hội cần phải quyết liệt hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm, chọn một số công việc để tập trung triển khai ngay và làm tốt trong thời gian tới.

Đối với phòng chống mại dâm, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm hiện nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới (khái niệm mại dâm; đối tượng, điều kiện bảo đảm các biện pháp phòng ngừa; chính sách và các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm…). 

Vì vậy, trong thời gian tới, công tác này cần tập trung vào khâu hoàn thiện thể chế. Theo đó, các bộ, ngành rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; thực hiện các nghiên cứu nhằm đưa ra những đề xuất, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; nghiên cứu đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng…
img 20230331 182226
Bên cạnh đó, tập trung vào công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm, chú trọng truyền thông, tuyên truyền tới thanh niên, giới trẻ, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để giúp các em học sinh, sinh viên, công nhân tránh bị lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt vào đường dây mại dâm. Ngoài ra, cần thực hiện tốt các chương trình cho vay vốn, giải quyết việc làm, hỗ trợ cho các gia đình nghèo, người yếu thế.

Đối với công tác cai nghiện, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, công tác này rất khó, thậm chí nhiều nước tiên tiến trên thế giới, hiệu quả cai nghiện cũng chưa cao nhưng họ có nhiều giải pháp về dự phòng và kiểm soát hành vi. Vì vậy, nước ta cũng nên nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của các nước. 
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đồng thời đề nghị Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong quản lý người nghiện, phát hiện người nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. 

"Có nhiều đối tượng hết sức manh động, cộm cán, phức tạp trong cộng đồng, ở các khu phố, do đó phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.

Việc quản lý hồ sơ của người nghiện phải đi vào quản lý từng ca, có đánh giá, lập hồ sơ rõ ràng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở cai nghiện thực hiện quản lý ca đối với người nghiện; phối hợp với các quận huyện, các cộng tác viên ở các xã, phường để quản lý; triển khai hoạt động tư vấn, tham vấn hai chiều…
img 20230331 182249
Ngoài ra, các cơ sở cai nghiện cũng phải cơ cấu lại các bộ phận chức năng, bảo đảm khoa học, hiệu quả, nên có phòng công tác xã hội và phòng hướng nghiệp dạy nghề; công khai minh bạch quy trình đưa người  công khai minh bạch quy trình đưa người nghiện vào ra, tránh tiêu cực. Các địa phương rà soát, bố trí ngân sách đầu tư để nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, mua sắm trang thiết bị; bảo đảm việc tổ chức cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định...

Đối với công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị làm tốt công tác tuyên truyền trong trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường việc phát hiện sớm và xử lý sớm những vụ việc; hỗ trợ đồng bộ từ viêc tham vấn, tư vấn, trị liệu tâm lý, kết nối với các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thủ tục hành chính
ứng dụng khcn
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay6,335
  • Tháng hiện tại28,124
  • Tổng lượt truy cập453,630
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây