Một ngày cuối tháng 5/2019, bà Mong Mẹ Bình (48 tuổi) trú tại bản Huồi Xui, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn bắt chuyến xe muộn từ Mường Xén về xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc để đến Trung tâm Giáo dục LĐXH 2 Nghệ An làm thủ tục đón con trở về tái hòa nhập cộng đồng sau 24 tháng điều trị cắt cơn, cai nghiện và đào tạo việc làm tại đây. Con bà - anh Lô May Hùng, nghiện ma túy đã nhiều năm, cai nghiện tại gia đình không thành công. Nghe theo lời khuyên của mọi người, bà Bình đưa con trai đến Trung tâm để cai nghiện tự nguyện, với suy nghĩ còn nước, còn tát. Để rồi, khi biết con trai cai nghiện thành công và đã học thêm được nghề mộc trong thời gian ở đây, bà đã không giấu được sự vui sướng, tự mình bắt xe khách xuống tận nơi đón con trở về để bắt đầu một cuộc sống mới.
Không thể thống kê được chính xác đã có bao nhiêu gia đình tìm lại được niềm vui đoàn tụ, cũng như bao nhiêu phận người lầm lỡ, phút bồng bột bán mình cho “nàng tiên nâu” đã được cán bộ Trung tâm Giáo dục LĐXH 2 Nghệ An giáo dục, cai nghiện thành công để trở về cộng đồng làm lại cuộc đời như thế. Chỉ biết rằng, mỗi năm như vậy, đã có từ 30 - 45 gia đình may mắn có được niềm vui ấy từ lèn Dơi, nơi Trung tâm đóng chân để tiếp nhận, chữa trị, cắt cơn giải độc, giáo dục phục hồi nhân cách, tổ chức liên kết đào tạo nghề và hướng nghiệp cho người nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh. Quá trình theo dõi, đánh giá hằng năm cho thấy, phần lớn học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng đều có cuộc sống ổn định, không tái nghiện, nhiều người trong số này đã có công ăn việc làm, có thu nhập hàng tháng.
Ông Đào Ngọc Lương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục LĐXH 2 Nghệ An cho biết: Trong những năm gần đây, số lượng học viên đến cai nghiện (bao gồm cả tự nguyện và bắt buộc) đều vượt so với chỉ tiêu được giao hằng năm. Đơn cử, năm 2018 Trung tâm được giao chỉ tiêu 245 học viên, song thực tế đã tiếp nhận 261 học viên, tăng 60 trường hợp so với năm trước đó. Trong số này, tập trung chủ yếu là ở các huyện Tương Dương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TP Vinh. Cũng trong thời gian vừa qua, Trung tâm đã tiến hành cắt cơn giải độc an toàn cho 261 lượt học viên, khám và cấp thuốc điều trị bệnh thông thường cho trên 400 lượt học viên, tổ chức 18 buổi tuyên truyền cách chăm sóc sức khỏe và phòng tránh lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm…
Song song với việc cai nghiện, Trung tâm luôn chú trọng đến công tác dạy và truyền nghề. Đến nay, có ít nhất 50 học viên với 2 lớp đã được đào tạo kỹ thuật gò hàn bậc 3/7. Ngoài ra, tại Trung tâm luôn duy trì công tác lao động trị liệu, tạo ra sản phẩm để nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức và học viên như làm giấy, trồng rau và chăn nuôi. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với một số nhà trường, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy các nghề như: Mộc, may, mây tre đan để giúp học viên sau cai nghiện có cơ hội tìm việc làm, giảm thiểu nguy cơ tái nghiện. Để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, Trung tâm đã tổ chức cho cán bộ trực gác luân phiên 24/24 giờ trong ngày nên đã không xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn. Cùng với đó, ngăn ngừa kịp thời và hạn chế thấp nhất tình trạng thẩm lậu hàng cấm vào Trung tâm như thuốc lá, thuốc lào, tiền mặt…
Trong một diễn biến khác, tại Quyết định số 264/QĐ-UBND ngày 25/1/2019 UBND tỉnh đã ban hành Đề án Chuyển đổi Trung tâm Giáo dục LĐXH 2 thành Cơ sở Cai nghiện ma túy bắt buộc số 2. Theo Đề án này, Cơ sở có chức năng cai nghiện ma túy bắt buộc, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện; tổ chức tiếp nhận người sử dụng, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định; tổ chức điều trị thay thế trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ của Cơ sở là tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá, phân loại, xác định tình trạng nghiện, tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, tổ chức các hoạt động nâng cao thể lực; điều trị các rối loạn về thể chất, tâm thần; chăm sóc, tư vấn và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, người mắc bệnh lao; tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người nghiện ma túy.
Cùng với đó, tổ chức các hoạt động trị liệu, tâm lý hành vi, tổ chức các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở cai nghiện ma túy; hướng dẫn tư vấn cho gia đình có người nghiện ma túy về điều trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng. Cơ sở cũng có nhiệm vụ tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, nâng cao trình độ nhận thức; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, tạo việc làm; tiếp nhận, quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ, xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và lưu giữ các đối tượng đã có quyết định của Tòa án đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc khi cần thiết. Đề án cũng nêu rõ, phấn đấu đến năm 2020, sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất để Cơ sở Cai nghiện ma túy bắt buộc số 2 đạt quy mô tiếp nhận 400 đối tượng/năm.
Thiện Thành
Ý kiến bạn đọc